Các yếu tố tưởng chừng đơn giản như ánh sáng, thoát khí, không gian tiện ích hay khả năng kháng nước, nếu gia chủ không chú trọng ngay từ khâu thiết kế sẽ gây nhiều phiền toái trong phòng tắm sau này.

Không chú trọng ánh sáng

Trong nhiều gia đình, khu phòng tắm và vệ sinh chỉ chiếm một khoảng không gian nhỏ nên chủ nhà đôi khi chỉ gắn nơi đây một bóng đèn duy nhất từ trần tỏa xuống hoặc trên tường ngay trên tấm kính bồn rửa mặt. Điều này gây ảnh hưởng đến việc sử dụng khi ánh sáng không đảm bảo, nhạt nhòa. Vì thế nên chia nguồn sáng thành hai mục đích sử dụng cụ thể gồm có ánh sáng chung cho cả phòng và ánh sáng cho từng khu vực tính năng riêng. Việc bố trí song song ít nhất hai nguồn sáng sẽ hỗ trợ tốt trong trường hợp một nguồn sáng bị sự cố, vẫn có thể sử dụng trong khi chờ sửa chữa.

Về cơ bản ánh sáng chung có thể bố trí đèn công suất lớn trên trần nhà, đảm bảo có thể bao quát nguồn sát cho tổng thể không gian phòng. Còn ánh sáng cho từng khu vực dùng đèn nhỏ hơn, gắn ở khu tắm, bồn rửa mặt hay ở gương trang điểm, nơi kệ để các vật dụng như xà phòng, dầu gội, dầu thơm…

Dùng vật liệu có khả năng chịu nước kém

Khư vực nhà tắm và vệ sinh là một trong những nơi có độ ẩm cao nhất trong nhà, chưa kể nơi đây thường xuyên có những chất mang đặc tính ăn mòn cao như xà phòng, các loại nước tẩy rửa bồn cầu, nước vệ sinh bề mặt… Nếu mặt sàn dùng các loại gạch kém chất lượng dễ gây tình trạng thấm, nứt, mòn nhanh gây trơn trượt nguy hiểm cho người dùng khi di chuyển, chưa kể đến việc dễ đọng nước dẫn tới nấm mốc, tích trữ các nguồn vi sinh gây hại, nặng mùi. Mặt sàn cần tạo độ dốc thoát nước tốt, nhanh chóng khô ráo sau khi sử dụng. Gạch lót tường cũng chọn loại có khả năng chống thấm hiệu quả.

Mặt khác khi chọn mua những sản phẩm như vòi rửa, vòi xịt, vòi hoa sen, các loại khóa nước, nên chọn thương hiệu uy tín, chất lượng đảm bảo, tránh việc tham đồ rẻ nhưng chỉ dùng thời gian ngắn bị oxy hóa lớp ngoài, gỉ sét bên trong gây rò rỉ nước, nghẹt dòng chảy, ảnh hưởng chất lượng nguồn nước.

Với những loại gỗ muốn bố trí trong phòng tắm, nên cần tìm hiểu và tư vấn kỹ từ các kỹ sư để đưa ra giải pháp hợp lý vì gỗ vốn là vật liệu không có khả năng chống chịu nước tốt.

Không chú ý đến không gian tiện ích

Nhiều gia chủ chỉ chú trọng đến việc chọn bồn tắm, bồn cầu, vòi sen, vòi nước, gạch lát sàn... nhưng lại ít quan tâm đến việc tối ưu không gian bên trong, gia tăng tiện nghi cho người dùng. Chính vì vậy không có nhiều nơi để bố trí các vật dụng cần thiết, trong khi diện tích vẫn dư dùng cho nhiều yếu tố khác.

Ví dụ như các góc tường có thể làm thành những tủ đồ cất khan, mỹ phẩm, kem, bàn chải đánh rang, vật dụng vệ sinh. Hay bố trí móc treo khăn trên tường một cách có tính toán, dễ dàng lấy khi tắm chứ không chỉ là khoan một chiếc móc ngay sau cửa. Hoặc với gia đình thì chọn từng khu để đồ riêng nhỏ nhắn cho cha mẹ hoặc các bé.

Không gian bức bối

Nhà vệ sinh thường gắn cho những việc “nhạy cảm” nên hay bố trí ở những nơi khuất, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thông khí. Trong khi đó với đặc thù tắm rửa và đi vệ sinh luôn làm phát sinh mùi, cần khả năng luân chuyển không khí nhanh để đón khí tươi và thoát hơi ẩm, đảm bảo phòng không bị ám mùi và khô ráo, tạo cảm giác thoải mái cho người dùng. Do đó tối thiểu cũng phải có một cửa thoát khí, nếu bị hạn chế về vị trí thì cũng cần bố trí những máy hút khí hoặc quạt gió để luôn tạo sự đối lưu cần thiết.